KỸ NĂNG PHỎNG VẤN CHUYÊN NGHIỆP TRONG TUYỂN DỤNG VỚI 5 BƯỚC ĐƠN GIẢN

Tuyển dụng được những Nhân sự PHÙ HỢP là then chốt trong quản trị nhân lực, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Để quá trình tuyển dụng diễn ra chuyên nghiệp và hiệu quả, Vân Nguyễn HR xin chia sẻ với các bạn kỹ năng phỏng vấn chuyên nghiệp thông qua NĂM BƯỚC ĐỂ PHỎNG VẤN như sau:

phongvanchuyennghiep

Bước 1: Chuẩn bị thông tin ứng viên tuyển dụng

Để chuẩn bị cho việc tuyển dụng diễn ra suôn sẻ và thuận lợi, các nhà tuyển dụng cần chuẩn bị thông tin ứng viên trước khi thực hiện phỏng vấn để nắm rõ thông tin ứng viên và có góc nhìn tổng thể trong quá trình phỏng vấn, cụ thể:

– Nghiên cứu hồ sơ ứng viên: Các thông tin ứng viên, quá trình học tập, quá trình công tác, thành tích….

– Chuẩn bị tài liệu, biểu mẫu đánh giá ứng viên: Chuẩn bị sẵn tài liệu làm bài kiểm tra năng lực, biểu mẫu để đánh giá, chấm điểm ứng viên ….

– Chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn: Chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn liên quan đến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ …..của ứng viên

– Tham chiếu: Tham chiếu với đơn vị cũ (nếu cần)

kynangphongvanchuyennghiep

Bước 2: Giới thiệu và xác nhận thông tin tuyển dụng

Để quá trình phỏng vấn diễn ra theo đúng định hướng và hiệu quả, nhà tuyển dụng cần chuẩn bị như thế nào?

– Cung cấp thông tin: Giới thiệu thành phần phỏng vấn, giới thiệu sơ lược về công ty, cảm ơn ứng viên tham gia, xác nhận lại vị trí ứng tuyển để đảm bảo cả hai bên không bị nhầm lẫn vị trí tuyển dụng và giúp ứng viên biết mình đang được ai phỏng vấn.

– Tạo cho ứng viên trạng thái tâm lý tốt nhất: Để ứng viên cảm thấy thoải mái, bạn cần cố gắng để ứng viên cảm thấy được chào đón, hãy bắt đầu bằng những câu hỏi mở và chú trọng các câu hỏi dễ để ứng viên thể hiện bản thân.

Bước 3: Dẫn dắt buổi phỏng vấn chuyên nghiệp

Sau khi đã cung cấp những thông tin cơ bản, chúng ta cần khai thác ứng viên xem trình độ của họ có phù hợp với vị trí ứng tuyển không.

– Hãy khéo léo, linh động khi đưa ra câu hỏi cho ứng viên: Trong phỏng vấn, vẫn có nhiều nhà tuyển dụng cảm thấy rất khó khăn khi đứng trước ứng viên mà không biết cách phỏng vấn, không biết đưa ra những câu hỏi phù hợp để có thể khai thác được những tiềm năng ẩn sâu của ứng viên ( Có thể tham khảo Bộ 12 câu hỏi vàng, kỹ thuật phỏng vấn STAR, kỹ thuật phỏng vấn Followup Questions….)

– Đồng thời, nhà tuyển dụng cần lưu ý sử dụng ngôn từ tích cực nhằm tạo cho ứng viên sự thân thiện nhưng chuyên nghiệp: “Em có thể chia sẻ với chúng tôi lý do em muốn thay đổi môi trường làm việc?” thay vì hỏi: “Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?” Sự khác nhau ở đây là từ “Chia sẻ” và “thay đổi môi trường làm việc” sẽ khiến ứng viên thoải mái và không đề phòng, khi đó, họ sẽ thoải mái trả lời và bộc lộ đúng những quan điểm, cá tính, tâm tư, nguyện vọng, khát khao…của mình!

– Thực hiện nguyên tắc 30-70 trong phỏng vấn. Để có thể đánh giá được ứng viên một cách khách quan và chính xác, nhà tuyển dụng cần lắng nghe nhiều hơn đưa ra các câu hỏi: Hãy lắng nghe, ghi chú lại những thông tin quan trọng theo nguyên tắc 30-70; Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cần  quan sát hành vi, ngôn ngữ để đoán biết tính cách theo DISC, từ đó có thể nhận ra mức độ PHÙ HỢP của ứng viên với vị trí cần tuyển dụng.

– Cảm ơn, kết thúc buổi phỏng vấn: Nếu không còn câu hỏi, nhà tuyển dụng lịch sự thông báo kết thúc buổi phỏng vấn, tổng kết, thông báo lịch phản hồi kết quả tuyển dụng, cảm ơn ứng viên tham gia phỏng vấn 1 lần nữa để họ cảm thấy được trân trọng và ấn tượng tốt về sự chuyên nghiệp của công ty. Đây cũng chính là cách để xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho Doanh nghiệp.

kynangphongvanchuyennghiepchohr

Bước 4: Đánh giá ứng viên chuyên nghiệp

– Căn cứ vào Khung năng lực ứng viên theo mô hình AESK (Thái Độ – Kinh Nghiệm – Kỹ Năng – Thái Độ) cần có theo tiêu chuẩn của Doanh nghiệp, Nhà tuyển dụng cần tổng hợp thông tin ứng viên sau buổi phỏng vấn để nhận diện mức độ phù hợp của ứng viên. Từ đó, có sự sàng lọc và có thể lựa chọn những ứng viên PHÙ HỢP nhất cho doanh nghiệp.

Bước 5: Thông báo kết quả tuyển dụng cho ứng viên

– Thông báo kết quả cho ứng viên: Không chỉ thông báo kết quả tuyển dụng cho những ứng viên trúng tuyển, nhà tuyển dụng cần thông báo kết quả phỏng vấn và cảm ơn đối với các ứng viên không trúng tuyển. Rất nhiều nhà tuyển dụng quên mất điều này dẫn đến gây ấn tượng xấu đối với ứng viên không trúng tuyển. Hãy gửi thư thông báo kết quả và cảm ơn ứng viên dù họ không trúng tuyển vừa thể hiện sự tôn trọng, chuyên nghiệp, vừa xây dựng thương hiệu tuyển dụng vì biết đâu sau này họ ứng tuyển khi đã phù hợp hoặc giới thiệu ứng viên cho chúng ta!

Chúc các anh chị em tuyển dụng được những nhân sự PHÙ HỢP cho doanh nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự và phát triển doanh nghiệp!

Ms Vân Nguyễn HR – Chuyên gia Nhân sự tin gọn

Xem thêm kỹ năng phỏng vấn chuyên nghiệp trong tuyển dụng tại http://greenstarct.vn/